Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu dự báo thị trường địa ốc có thể phải cần thêm 5 năm nữa mới giải phóng được lượng hàng tồn kho khổng lồ vì thế lúc này không thể ảo tưởng về viễn cảnh phục hồi.
Tại hội thảo Triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản diễn ra ngày 13/6, nhiều chuyên gia bất động sản tỏ ra bi quan về tương lai của ngành địa ốc trong 3-5 năm tới dù gói 30.000 tỷ đồng đang được các ngân hàng ráo riết khởi động.
Theo ông Châu, một trong những lý do chưa thể lạc quan về khả năng phục hồi của thị trường trong ngắn hạn vì các gói giải pháp hỗ trợ bất động sản được triển khai quá trễ nải. Thủ tướng làm việc với lãnh đạo TP HCM ngày 18/12 năm ngoái nhưng đến 15/5 Ngân hàng Nhà nước mới có những thông tư hướng dẫn cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến quá trình thực hiện còn vướng nhiều thủ tục. "Sự giải cứu còn quá chậm so với tính cấp bách của tình hình", lãnh đạo Hiệp hội bất động sản TP HCM nhận xét.
Đặc biệt quan tâm đến nợ xấu, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield (Việt Nam), Chris Brown bình luận: "Thị trường bất động sản Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Đầu tư trong nước sẽ không phục hồi nhanh chóng nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về giá đất và giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu".
Ông Chris Brown tin rằng tỉ lệ nợ xấu tại Việt Nam cao hơn con số 6% được báo cáo và hầu hết là thuộc lĩnh vực địa ốc. Thậm chí, ông còn cho hay một số chuyên gia ước tính nợ xấu bất động sản chiếm hơn 70% các khoản nợ xấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại các khoản nợ xấu và tài sản liên quan không được công khai từ các ngân hàng và các chủ đầu tư. Đây là điều rất không có lợi cho nền kinh tế và thị trường. "Nếu ngân hàng và các nhà đầu tư không nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu này, thị trường bất động sản khó có khả năng phục hồi", chuyên gia này nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đầu tư dịch vụ Kiến Á, Trần Lê Khánh dự báo: "Thị trường đang ở đáy của chữ U và chưa ai dám chắc khi nào gió sẽ đổi chiều. Nếu các giải pháp hỗ trợ hiệu quả có thể trong 3 năm tới bất động sản sẽ có cơ hội phục hồi".
Tuy nhiên, ông Khánh đưa ra lời khuyên, để khai thông hàng tồn, cách tốt nhất là mỗi chủ đầu tư cần phải có giải pháp riêng cho mình. Doanh nghiệp không nên trông chờ vào những chính sách hỗ trợ vì mọi gói giải cứu đều có giới hạn và chỉ phục vụ cho một số đối tượng nhất định.
Đồng tình với ông Chris Brown, Giáo sư Đặng Hùng Võ thừa nhận: "Địa ốc không thể phục hồi nếu nợ xấu chưa thể giải quyết dứt điểm. Các chính sách hỗ trợ phân khúc nhà giá rẻ, điển hình như gói 30.000 tỷ đồng chỉ là một trong những giải pháp giúp làm tăng niềm tin cho thị trường".
Tiến sĩ Võ chỉ ra nghịch lý đang tồn tại là thu nhập trung bình của người dân Việt Nam so với giá nhà ở đang chênh lệch đến 25 lần. Một con số ngất ngưỡng trong khi ở hầu hết các nước có nền kinh tế đang phát triển tỷ lệ này khá thấp, chỉ gấp 2-4 lần.
Theo ông Võ, trên thực tế, cơ chế cấp tín dụng ưu đãi cũng như việc rà soát cho chuyển đổi dự án mới chỉ được thực hiện nhằm tăng cung cho khu vực nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, chưa động tới khu vực bất động sản tồn kho. Việc giải quyết các dự án tồn đọng vẫn chưa thấy rõ đường nét cụ thể.
Chuyên gia này đề xuất gói giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc. Một là gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Hai là giảm tiền thuê đất năm 2013-2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất.
Gói giải pháp thứ ba nhắm đến vai trò của nhà băng. Theo đó, các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ để cho các đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ với lãi suất thấp. Thứ tư là có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội. Song song đó cần ban hành chính sách tín dụng ưu đãi để người dân tiếp cận được dòng sản phẩm này.
Giải pháp thứ năm theo ông Võ, Việt Nam cần sớm hình thành các định chế tài chính mới. Đó là Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ Đầu tư bất động sản, Cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở, tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản. Và giải pháp cuối cùng, cũng là giải pháp "nặng đô" nhất là rà soát, đánh giá lại nợ xấu, phân loại các khoản nợ xấu theo nhiều tiêu chí để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng tình huống.
(Theo VNexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét